Đứng trước nhiều khó khăn do chiến tranh thương mại dịch bệnh Covid -19, suy thoái kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Việt Nam vẫn đón nhận những tín hiệu tích cực từ tăng trưởng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hơn 18 tỷ USD dòng vốn FDI “rót” vào Việt Nam thời gian qua đang tạo cơ hội để doanh nghiệp hỗ trợ trong nước cải thiện vị thế và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cho toàn cầu.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, đến quý 3 năm 2022, trong tổng số vốn FDI vào Việt Nam với số vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu (chiếm 63,9% trong tổng vốn đầu tư đăng ký).
Theo Bà Nguyễn Thị Hồng Gấm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn Công nghệ và Thiết bị Mỏ – Luyện kim:
“Đối với ngành công nghiệp phụ trợ hiện nay ví dụ như nhôm và titan sẽ rất cần cho các ngành công nghiệp hỗ trợ và đối với sản xuất máy bay, ô tô nên các tập đoàn lớn đang rất quan tâm đến những khoáng sản này. Chính vì vậy, ngành khoáng sản chính là một ngành đầu tiên đáp ứng cho công nghiệp hỗ trợ.”
Bà Nguyễn Thị Hồng Gấm – Chủ tịch HĐQT
Mặc dù tiềm năng là lớn nhưng đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nhà đầu tư FDI lớn. Dù liên tục tìm kiếm công khai nhưng thực tế là các doanh nghiệp FDI rất khó tìm được các nhà cung ứng ở Việt Nam do không đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết của chính các nhà cung ứng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc phải nhập phần lớn các nguyên liệu, vật tư từ nước ngoài của doanh nghiệp Việt đồng thời thiếu những công nghệ cần thiết gây khó khăn để có thể trở thành nhà cung ứng cho doanh nghiệp FDI.
Ông Nguyễn Thường Lạng- PGS.TS, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:
“Các nước đầu tư vào Việt Nam là hầu như có một hệ sinh thái đầy đủ, được xây dựng một cách bài bản khoa học và thậm chí được thử nghiệm ở nhiều nước khác rồi mới đưa sang Việt Nam. Do đó là cái chất lượng yêu cầu và chuẩn mực của họ rất cao, bởi vì nhu cầu con người càng ngày càng cao và thiết bị công nghiệp càng ngày càng tinh xảo, và nếu như mà mình muốn tham gia vào chuỗi đó mà mình ở cái khâu giá trị thấp, mình ở cái khâu công việc đơn giản thì khó có thể tham gia khâu đó.”
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng
Hiện nay, các ngành phụ trợ của Việt Nam như điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giày,… đang thiếu nguồn nguyên phụ liệu, phụ tùng linh kiện trong nước để hỗ trợ sản xuất. Các ngành kể trên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến sản xuất bị động, chi phí cao. Trong khi đó, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào nước ta ngày càng mạnh, khiến nhu cầu về ngành công nghiệp hỗ trợ để phục vụ sản xuất trở nên cấp thiết.
Chính vì vậy, hướng tới việc giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cần đẩy nhanh phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước. Dịch chuyển chuỗi cung ứng là cụm từ thường được nhắc đến trong thời gian qua, để hấp thụ được dòng chảy đó, doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị đầy đủ năng lực nội tại, từ nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu phát triển, thể chế, chính sách…
Tác giả: Ban biên tập tổng hợp
Nguồn: Công nghiệp hỗ trợ – Bộ Công Thương