Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học mỏ – luyện kim (VILUMKI) đã nghiên cứu giải pháp thu hồi vàng trong đuôi thải của Nhà máy tuyển đồng Sin Quyền (Lào Cai). Đây là một giải pháp hữu ích, vừa giúp tận thu được nguồn khoáng sản, lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Công Thương – Tận thu tài nguyên
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Gấm – chủ nhiệm đề tài – cho biết, trong quá trình nghiên cứu, thí nghiệm xác định công nghệ tuyển nổi đồng Sin Quyền (Lào Cai) để thiết kế xây dựng xưởng tuyển, các chuyên gia tư vấn thiết kế và chủ đầu tư đã quan tâm đến việc thu hồi các khoáng vật có ích đi kèm như vàng, đất hiếm, sắt… Tuy nhiên, do chưa xác định được công nghệ hợp lý và chưa đủ các thông tin cần thiết để thiết kế lắp đặt thiết bị nên dây chuyền hiện tại chưa có các thiết bị để tận thu. Do vậy, đề tài đặt ra mục tiêu thu hồi các nguyên tố có ích đi kèm trong quặng trong quá trình tuyển quặng đồng Sin Quyền là hoàn toàn cần thiết.
Nhóm đã tiến hành lấy mẫu nghiên cứu là mẫu quặng thải có màu xám đen, hạt mịn, thể trọng rời 1,45 kg/cm3, độ ẩm 10%. Mẫu quặng có thành phần độ hạt mịn, khoáng vật nặng (KVN) có ích chủ yếu nằm trong kích cỡ hạt -0,074 mm. Kết quả phân tích hóa cho thấy mẫu nghiên cứu có hàm lượng vàng (Au) là nhỏ hơn 0,1 g/tấn và hàm lượng sắt (Fe) là 12,8%. Mức phân bố vàng trong kích cỡ hạt -0,074+0,045 mm chiếm gần 50%, và trong kích cỡ hạt -0,045 mm cũng chiếm trên 30%. Vàng trong mẫu thí nghiệm có hàm lượng rất thấp, nhỏ hơn 0,1 g/tấn, chủ yếu là vàng nguyên sinh cỡ hạt rất mịn bằng thiết bị tuyển trọng lực bình thường sẽ khó thu được quặng tinh vàng.
Với quan điểm tận thu tài nguyên, nâng thực thu vàng trong quặng tinh cao nhất, hàm lượng vàng thấp nhất mà khâu luyện kim có thể tiếp nhận có hiệu quả, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị không đãi rửa thủ công mà nhận ngay quặng tinh vàng sau khi tuyển Knelson 2.
Theo thiết kế của Công ty CP HH Xây dựng kim loại màu Trung Quốc (ENFI) có khuyến nghị đặt thiết bị tuyển siêu trọng lực Knelson. Căn cứ vào tình hình nghiên cứu cũng như sản xuất trong và ngoài nước cho thấy việc sử dụng thiết bị tuyển trọng lực Knelson để thu hồi vàng mịn là rất hiệu quả. Thiết bị tuyển này ở Việt Nam còn khá mới, tuy nhiên trên thế giới có rất nhiều mỏ đã sử dụng thành công máy tuyển Knelson cho tuyển vàng như: Mỏ Morila (Mali), Serra Grande (Braxin), Surrise Dam, Kunada Gold, WMC (Australia), Norilsk Nickel (Nga), BHP Tintaya (Peru), Geita (Tanzania)…
Thực thu vàng đạt trên 30%
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xác định lực ly tâm, áp lực cấp nước và chu kỳ tuyển với mẫu đầu có khối lượng 15 kg, nồng độ cấp liệu là 60%. Các kết quả thu được cho thấy, tuy hàm lượng quặng tinh vàng chưa cao (cao nhất đạt 1,78 g/tấn) nhưng tỷ lệ thu hồi vàng cũng đạt được ở mức độ cho phép (36,98 g/tấn) đối với việc tận thu khoáng sản.
Đề tài đã tiến hành thu hồi vàng tuyển chính và tuyển tinh bằng Knelson, quặng tinh Knelson thu được đãi rửa thủ công. Sản phẩm quặng tinh vàng đạt hàm lượng trên 40 g/tấn nhưng thực thu rất thấp, đạt trên 16%. Nếu dừng lại ở công đoạn tuyển tinh Knelson 2 thì hàm lượng Au trong quặng tinh đạt 11,34 g/tấn Au, với mức thực thu 27,21 %. Mức hàm lượng Au trong quặng tinh là hoàn toàn có thể chấp nhận được bởi trên thế giới với quặng tinh vàng đạt 2 ÷3 g/tấn đã được đưa đi luyện có hiệu quả kinh tế.
Kết quả này phần nào làm sáng tỏ độ hạt đưa vào tuyển chưa hợp lý. Căn cứ vào kết quả phân tích thành phần độ hạt, nhóm đã tiến hành phân cấp để thải bỏ cấp hạt kích cỡ 0,125 mm trong mẫu thí nghiệm. Sau đó đưa tuyển chính và tuyển tinh bằng Knelson nhận được quặng tinh vàng có hàm lượng 14,42 g/tấn và thực thu tương ứng đạt 32,87%. Như vậy có thể thấy, với sự phân cấp, loại bỏ kích cỡ hạt 0,125 mm cho kết quả thực thu quặng tinh vàng cao, góp phần tiết kiệm tài nguyên.
Nguồn : (baocongthuong)